(Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai) – Ngày 20 tháng 1 năm 2022, Aide et Action và Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc tổ chức trực tuyến sự kiện giới thiệu ba bộ tài liệu “Hướng nghiệp – Đào tạo nghề – Khởi sự kinh doanh”. Đây là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tiếp cận cơ hội sinh kế cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số”, do Liên minh châu Âu và ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tài trợ, giai đoạn 2020-2023. Buổi giới thiệu Bộ tài liệu có sự tham gia của đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội liên hiệp Thanh niên tỉnh, các trường THPT, Trung tâm dạy nghề, và một số Phòng/Ban khác tại các huyện, thuộc hai tỉnh dự án Lào Cai và Hòa Bình, Tổ chức Lao động quốc tế ILO, đại diện nhà tài trợ và cơ quan truyền thông.
Các bộ tài liệu được xây dựng với nguyên tắc đáp ứng nhu cầu thị trường, khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, kết nối chặt chẽ giữa Hướng nghiệp – Đào tạo nghề – Khởi nghiệp và tập trung vào thực hành kỹ năng nhằm đạt mục tiêu hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số tự tin và tự chủ trong việc xác định và theo đuổi con đường nghề nghiệp tương lai của mình.
Ông Đào Trọng Độ – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người đã theo sát quá trình xây dựng và trực tiếp tham gia phê duyệt bộ tài liệu Dạy nghề cho biết: “Đơn vị chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng dự án để triển khai các bộ tài liệu một cách tốt nhất cho địa phương, đặc biệt tập trung vào các địa phương có nhiều thanh niên DTTS sinh sống để giúp họ tăng cơ hội tiếp cận các chương trình giáo dục phù hợp với đặc điểm vùng miền, trình độ của bản thân, và phát huy được văn hóa cộng đồng, từ đó phát triển các ngành nghề truyền thống, tạo việc làm tại chỗ cho người dân.”
Với thiết kế thân thiện, sáng tạo, dễ hiểu và tương tác đa chiều, bộ tài liệu không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về các ngành nghề mà còn “cầm tay chỉ việc” cho học sinh và học viên thực hành các kỹ năng nghề thông qua các hoạt động trải nghiệm gần gũi, gắn liền thực tế, giúp các em cải thiện năng lực và trang bị các kỹ năng sẵn sàng làm việc.
Là một trong những giáo viên có đóng góp tích cực với bộ tài liệu Hướng nghiệp từ những ngày đầu tiên, thầy Nguyễn Xuân Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Sapa đánh giá: “Bộ tài liệu không chỉ giúp giáo viên có cơ sở khoa học cần thiết để áp dụng và hướng dẫn cho học sinh định hướng nghề nghiệp, mà còn tạo hứng thú cho các em trong quá trình tìm hiểu và xác định nghề nghiệp tương lai phù hợp với năng lực của mình.”
Bà Nguyễn Thị Tú, Trưởng đại diện của Aide et Action chia sẻ: “Bộ tài liệu được biên soạn theo phương pháp tiếp cận định hướng thị trường, dựa trên các yêu cầu, mong muốn của người học và phù hợp với các quy định hiện hành. Ngoài ra, việc sản xuất các bộ tài liệu chất lượng để minh họa và phản ánh văn hóa bản địa cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao Động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, cùng các chuyên gia, nghệ nhân, giáo viên và cộng đồng địa phương, bộ tài liệu đã được hoàn thành với chất lượng tốt nhất có thể. Tôi mong dự án sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để triển khai các bộ tài liệu trong chương trình giảng dạy. Chúng tôi hy vọng bộ tài liệu sẽ là hành trang giúp các em vững bước trên con đường nghề nghiệp tương lai, tự tin phát triển bản thân, cải thiện sinh kế cho gia đình và xã hội.”
Buổi giới thiệu là cơ hội để chính quyền địa phương và các bên liên quan cùng nhau thảo luận kinh nghiệm phát triển các bộ tài liệu theo hướng thực tiễn và khoa học, đồng thời chia sẻ về kế hoạch triển khai, áp dụng rộng rãi bộ tài liệu trong thời gian tới.